Thursday, September 26, 2013

Hai câu chuyện nhỏ

Một năm nữa lại trôi qua, nhanh đến không ngờ. Mới ngày nào còn ngồi lụi cụi gõ blog bài El Papá để chúc mừng sinh nhật ba mình, giờ loay hoay đã lại đến sinh nhật ba.  Cả ngày hôm nay vắt óc ra nghĩ sinh nhật ba mình ở xa thì làm được gì ngoài viết vài dòng chúc mừng để cho xứng đáng, nhưng cái đầu cạn nghĩ lại không nghĩ ra được điều gì ngoài việc kể ra đây 2 câu chuyện ngắn mới diễn ra trong hè này mà chứng tỏ ba mình là tuyệt vời nhất:

1) Khi ba phải thi lên chuyên viên chính, trong đó có một môn điều kiện là môn tiếng Anh, ba đã về hỏi mình ngay để mình ôn tập lại tiếng Anh cho ba. Chắc ít ai tuổi ngoài 40 lại kê bảng học 12 thì hiện tại, quá khứ, và tương lai, cũng như thức dậy 3h sáng mỗi đêm để ráng học thuộc bảng động từ bất quy tắc như ba của mình. Mình đã phục ba nhiều điều: tài văn thơ, cầm ca, kỹ năng giao tiếp, tính cương quyết, lòng quan tâm đến mọi người, và nhiều thứ khác. Nhưng chỉ thông qua đợt dạy tiếng Anh cho ba này mình mới học ngược lại từ ba đức tính kiên trì.

2) Khi mình bị tai nạn giao thông, lúc mình bảo mình có thể ở qua đêm trên núi rừng Bác Ái thì ba cương quyết đưa mình về Bệnh viện Tỉnh khám ngay lập tức. Ngay cả khi bác sĩ bảo mình "không bị sao", nếu không vì ba cực kỳ quyết đoán và quyết định đưa mình vào Tp. HCM ngay trong một buổi sáng, chắc giờ mình cũng đã không biết thực tế tình hình của mình nghiêm trọng thế nào. Qua dịp này mới thấy, mình chỉ được giỏi quyết đoán chuyện thiên hạ, và trong những tình huống khẩn cấp liên quan đến bản thân và người thân thì ba mình mới đúng là lý trí sáng suốt và là trụ cột cho cả nhà.



Chuyện về ba kể không hết, và hai câu chuyện nhỏ này chỉ là một trong vô số những điều diễn ra trong đời mà mỗi điều vẽ thêm nhiều phương diện và khía cạnh đẹp của con người ba trong mắt mình.

(Princeton, 09-2013)

Thursday, September 19, 2013

Kinh tế: Chuyện như mới bắt đầu

Ngẫm lại thì hai tuần vừa rồi khá bận cho những tuần đầu năm học. Nhiều em học sinh năm nhất cứ ngây thơ hỏi, "Làm sao để chúng em có thể quản lý quỹ thời gian của mình một cách tốt nhất?" mà không hề biết rằng trong khi mình cố sức đưa cho các em những lời khuyên thì bản thân mình cũng lo lắng biết bấy nhiêu. Lo chứ, vì đây là học kì đầu mình học chuyên sâu về môn Kinh tế.

Đầu tiên là môn Kinh tế lượng (Econometrics), đáng ra cũng không đến nỗi khó lắm nếu như mình không đang được học với Chris Sims, nhà kinh tế của Princeton vừa đoạt giải Nobel năm 2012. Năm ngoái khi nghe tin thầy đứng lớp dành cho sinh viên đại học thì cả bọn trong khoa kinh tế cảm thấy sướng rơn, vì thiên về bộ môn này chắc ít ai dám khẳng định mình thấu hiểu hơn Giáo sư Sims. Thế nhưng, học xong bữa đầu tiên hồi tuần trước, đi đâu cũng nghe những nỗi niềm hoảng loạn của học sinh, còn mình thì sợ chết đứng. Vốn dĩ theo trường phái Bayesian - một trường phái của Thống kê "đối lập" với trường phái tần suất học (frequentist) - thầy không ngần ngại bỏ ra một bài giảng để thuyết phục chúng tôi rằng những gì sách giáo khoa đang dạy có thể không phải là phương án tốt nhất. Thầy cũng không ngần ngại bỏ ra một bài giảng thứ hai để truyền cho chúng tôi thông điệp rằng "Rất nhiều sách giáo khoa về Kinh tế lượng đang cố gắng thuyết phục các em tin rằng thứ họ dạy là tốt, còn tôi đứng đây là để đặt cho các em nhiều hoài nghi, để các em không ngừng tự hỏi khi đọc những kết quả thống kê". Sau ba buổi học, và sau khi đã bình tâm trở lại (và bản thân thầy cũng dạy chậm lại khi nghe nói học sinh không theo kịp những suy luận nhanh như điện của thầy trong lớp), thì nghĩ kĩ mới thấy mình thật may mắn mới được học một người "gieo rắc hoài nghi" vào suy nghĩ của học sinh như thầy. Nói như Steve Jobs là "Stay Hungry, Stay Foolish", tạm dịch là hãy cứ đói kiến thức, hãy cứ nghĩ rằng mình là kẻ ngu (để rồi còn động lực để học hỏi thêm).

Rồi còn môn Kinh tế Vĩ mô của lớp nghiên cứu sinh tiến sĩ (PhD). Ở Princeton, khoa Kinh tế có đặc cách cho những sinh viên đại học có khả năng được quyền ngồi học chung những lớp đại cương của các nghiên cứu sinh tiến sĩ. Thế là mình cũng mày mò (ham hố) theo học lớp Kinh tế Vĩ mô, ngành mà mình muốn nghiên cứu sau này. Sau hai tuần học, mình mới thấy đây là một quyết định sáng suốt. Đó không phải vì cái danh "học lớp của nghiên cứu sinh", không phải vì cái lợi là được thể hiện mình trong việc nộp đơn sau đại học, mà đó là vì mình có dịp suy ngẫm lại lúc mình học Kinh tế Vĩ mô cấp dưới mình (và chương trình) đã không cẩn thận như thế nào. Một khuyết điểm của môn Kinh tế học là tạo rất nhiều giả định để đơn giản hóa vấn đề, và dường như chương trình kinh tế ở đại học người ta đã đơn giản hóa vấn đề ấy quá mức khiến nó trở nên khó hiểu. Ngẫm lại mới nhớ ra hồi trước học Kinh tế Vĩ mô trung cấp đã có nhiều điều được xem là mặc nhiên, mình phải chấp thuận, mà rất may là học đến đây được gặp Giáo sư Rogerson, người cũng giống như giáo sư Sims, luôn bắt học sinh tự đặt câu hỏi ngược về những điều mà mình viết trên trang vở. Thầy hay hỏi những câu bất ngờ, những câu thường đơn giản, mà ít ai có thể trả lời được, hay thậm chí chưa bao giờ để ý. Có lẽ học lớp này đang và sẽ khiến mình trân trọng hơn cái bộ môn mà mình thích, vì nó lấp đầy những chỗ trống mà người ta tạo ra khi cố gắng đơn giản hóa vấn đề cho học sinh cấp dưới.

Thôi, ngồi nghỉ giải lao 20 phút có thời gian blog để kể lể những cảm nghĩ (dưới áp lực) sau những "ngày đầu tiên đi học". Giờ mới thấy mình đang bắt đầu học kinh tế.

Princeton, 19/9/13.

Tuesday, September 10, 2013

Đi chậm

9 giờ 10 phút tối ngày 8 tháng 9. Lúc đó tôi bước nhanh, nhanh hết sức có thể, để kịp rời khỏi chiếc tàu lửa trước khi nó lại lăn bánh rời ga. Nhà ga dành 10 phút cho hành khách chuyển tàu để về Princeton mà đối với tôi khi bình thường là dư thừa nay lại cảm giác như một cuộc đua với thời gian. Nhiều người trước mặt đi càng ngày càng xa, trong khi những người sau lưng lần lượt vượt mặt tôi; tất cả đều hối hả để bắt kịp chuyến tàu về trường. Trong 10 phút ấy, những cử động của tôi dường như là những cảnh phim quay chậm trong một thế giới thực vẫn quay nhanh. Sau 10 phút ấy, tôi nhìn đoàn tàu rời ga trong khi mình mới chỉ đi được 3/4 quãng đường.

5 giây tủi thân.

Bây giờ về tới Princeton, ngồi ở một cái bàn được bạn tôi giúp chuyển đến bên cạnh một khung cửa sổ mang dấu ấn của một tòa lâu đài cổ, nhìn ra một góc sân vuông cũng đậm chất cổ kính. Căn phòng mới của tôi cũng có một lò sưởi kiểu cũ, cái kiểu mà khi xưa được kết nối với ống khói để ông già Noel chui vào. Mặc dù không được phép đốt lửa trong lò, cái lò sưởi ấy cùng cái sàn gỗ và góc sân nhìn ra từ cửa sổ khiến tôi cảm giác ấm lòng. Ngẫm lại thì kiến trúc lâu đài gothic là một trong những lý do đầu tiên khiến mình thực sự thích Princeton, và bây giờ vẻ đẹp của lối kiến trúc ấy vẫn khiến mình ngưỡng mộ. Ít ra, ngồi tại đây, với mọi việc đã ổn định và được sắp xếp tương đối ổn thỏa, tôi cảm giác mình đang ở nhà, hòa bình và yên ả.

Pyne Hall - khu ký túc xá của tôi năm nay
Photo (c) Princeton Interactive Map

Tôi ngồi gõ những dòng này với cái chân bị bó thẳng. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nghĩ tôi hiểu được nỗi khổ của những người khó hoặc không thể đi lại tự nhiên. Nhất là những lúc những bó cơ ở bắp chân co thắt lại như chuột rút khi đang đứng, hay lúc đang nằm thì không thể dịch chuyển vì chân không thể co quá 45 độ. Tệ nhất là 3, 4 hôm trước, có khi mình không dám ngồi vì không biết là ngồi rồi còn đủ sức đứng lên không. Tuy cái chân đôi lúc làm tôi thấy nản, nhưng nhiều khi tự nghĩ, con người thì cũng lúc này lúc kia. Chắc phải ngã mới hiểu được đau, để rồi mình quý cuộc đời hơn khi mình đứng dậy đi tiếp.

Đi chậm lại cũng có nhiều cái hay. Nếu không vì dịp này chắc bây giờ mình đang không ngồi yên trong phòng suy nghĩ chuyện đời như bây giờ. Đi chậm lại cho tôi thời gian để suy nghĩ về nhiều thứ, trong đó có tình bạn. Qua đợt về Việt Nam lần này, và trong những lúc khó khăn, tôi mới hiểu được là ai thực sự quan tâm đến mình, ai quan trọng đối với mình, và ai chỉ là những người bạn xã giao. Chỉ một điều mình không nghĩ ra là mình đã làm gì tốt cho các bạn đâu mà lại có được những người bạn quý giá như vậy? Có những con người cho để rồi nhận lại, một cách thực dụng, và có những con người cho mà không toan tính. Tôi thấy mừng vì rất nhiều bạn bè của mình là kiểu người thứ hai.

5 giây hạnh phúc.

5 giây hạnh phúc.



Tuesday, May 14, 2013

Con chó ở khu nhập cư Haiti (Những câu chuyện ở bang Florida phần 2)

(Viết vào 25/3/2012)

Ở Trung tâm Lao động Miami, chúng tôi làm đủ mọi thứ. Công việc tốn thời gian nhất là một cuộc vận động từng gia đình rằng Trung tâm có hỗ trợ tư vấn pháp lý cho những ngôi nhà sắp bị thu hồi. 3 ngày liền, mỗi ngày 2-3 tiếng, chúng tôi đi vòng quanh những cộng đồng dân cư của thành phố Liberty, chủ yếu là cộng đồng người nhập cư từ Cuba (Little Havana) và cộng đồng người Haiti (Little Havana), cùng với những người nhập cư gốc Latin khác. Mỗi buổi chiều, chúng tôi nhận được một danh sách dài của những nhà sắp bị ngân hàng thu hồi (vì không đủ khả năng trả nợ mua nhà), và chúng tôi đến từng nhà để nói với họ rằng họ có thể được tư vấn pháp lý miễn phí.

Tôi đặc biệt thích công việc này. Gõ cửa từng ngôi nhà một có thể hơi... rùng rợn. (Tôi hay tưởng tượgn từ ảnh hưởng của phim Mỹ rằng nếu mình gõ cửa nhà một người lạ nào đó, họ sẽ xuất hiện với khẩu súng trên tay) Tất nhiên sự thật không đến nỗi thế, nhưng cũng không có gì lạ nếu ai đó đóng cửa lại ngay trước mặt mình. Ngoại trừ cái cảm giác "rùng rợn" đó ra thì có một điều khiến tôi rất tihsch công việc này: Tôi nghe được rất nhiều câu chuyện đời của những người cần được lắng nghe. Một buổi chiều, Tôi gặp một người phụ nữ chủ nhân một ngôi nhà mà không hay biết rằng căn nhà mà cô ta thuê sắp bị đóng cửa. Cô ấy rất hoảng hốt và hỏi chúng tôi làm sao để xử lý vụ này. Sau đó cô ấy nói chuyện với chúng tôi suốt 20 phút liền - cứ như là chưa có ai chịu lắng nghe cô ta nói - về chuyện cô ấy bị lừa bởi người cho vay tiền mua căn nhà trước như thế nào. Điều khiến tôi ngạc nhiên là có nhiều người rất cởi mở, dù cho đối với những người lạ như chúng tôi. Sau khi chúng tôi chia tay và đi khỏi căn nhà được vài bước, cô ấy chạy theo đưa cho chúng tôi một lọ dung dịch rửa tay (hand-sanitizer) và nói: "Chắc các bạn phải bắt tay nhiều người lắm."

Tuy nhiên câu chuyện đáng nhớ nhất là ở một ngôi nhà GẦN NHƯ bị bỏ hoang. Vật dụng trong nhà rất ngổn ngang, như thể người chủ ngôi nhà không cảm thấy cần phải dọn dẹp ngôi nhà nữa. Dù gì, họ cũng sắp bị đuổi đi. Tôi gọi vọng vào từ ngoài cổng, rồi một người đàn bà người Haiti bước ra. Bà ta có vẻ mệt mỏi, và tỏ ra buồn phiền khi chúng tôi nói về chuyện thu hồi nhà cửa. Đúng lúc đó, tôi đang chơi với một chú chó trong khu vườn trong khi đồng nghiệp của tôi nói chuyện với người chủ. Bà chủ nhận ra tôi rất thích chú chó, nên bà hỏi "Cậu thích nó à? Thích thì tôi cho." Tôi cười từ chối, đơn giản vì Princeton không cho phép tôi nuôi chó trong khu kí túc xá.

Ngày hôm sau, chúng tôi tình cờ đi ngang ngôi nhà ấy một lần nữa. Lần này chúng tôi gặp người chồng của người đàn bà ngày hôm qua. Con chó thấy chúng tôi rất mừng, chạy vượt ra ngoài hàng rào để đùa giỡn. Khi thấy tôi chơi với chú chó, ông ấy hỏi: "Cậu thích nó à? Thích thì tôi cho." 

Đúng lúc đó, tôi nhận ra được chuyện gì đang diễn ra. Họ rất muốn đẩy chú chó đi cho người khác vì họ không thể giữ nó được nữa. Hôm qua tôi vô ý - đúng là khi người ta bị đuổi ra khỏi ngôi nhà của họ chưa biết đi đâu, thì giữ một chú chó như vậy là một gánh nặng. Buồn thay, trong khủng hoảng kinh tế, chó cũng là nạn nhân. Tiếc rằng tôi phải từ chối một lần nữa. Lần này, khi chúng tôi bước đi xa khỏi ngôi nhà, chú chó không ngừng chạy theo chân tôi, như thể muốn đi theo. Người đàn ông gọi chú chó lại để chúng tôi có thể đi. Nó đứng lại ở giữa hai bên, nhìn từ bên này sang bên kia như phân vân không biết nên chạy với ai, rồi nó chạy về với chủ cũ của nó.


Tấm bảng đen (Những câu chuyện ở bang Florida phần 1)

(Viết vào ngày 25/3/2012)

Tuần trước, tôi đi một chuyến đến thăm bang Florida cùng 10 học sinh Princeton khác để học và thị sát hậu quả của khủng hoảng thị trường nhà ở đây. Lúc đầu, tôi định viết một bài blog mỗi ngày của chuyến đi, nhưng lịch làm việc của nhóm mỗi ngày kéo dài từ 9am-8pm (họp hành, hoạt động tình nguyện,...) khiến tôi không thể viết được nhiều như mong muốn. Chúng tôi đi đến một số thành phố khác nhau: Fort Myers, Lehigh Acres, Miami, Miami Beach, Overtown,  và thành phố Liberty. Ở mỗi thành phố, chúng tôi đã có cơ hội đi thăm những ngôi nhà bị bỏ hoang hoặc bị ngân hàng thu hồi, nói chuyện với một số tổ chức phi chính phủ, gặp mặt với một số cơ quan Chính phủ (trong số đó, nhóm chúng tôi đã được mời ăn trưa cùng với thị trưởng của thành phố Miami Beach), vận động dân chúng (gõ cửa từng nhà một để vận động người dân không bỏ nhà cửa để trốn nợ nần, cũng như bảo người dân rằng họ có cơ hội được tư vấn luật miễn phí). Vì chúng tôi đã làm khá nhiều việc, toi quyết định viết bài blog này theo kiểu "kể truyện", tức là, tôi sẽ kể lần lượt những câu chuyện có ảnh hưởng sâu sắc nhất với tôi trong toàn chuyến đi.

Chuyện thứ 1: Tấm bảng đen
Marc Joseph là một trung gian nhà đất - "cò nhà đất" hiểu theo nghĩa của người Việt Nam. Ông ấy hơi khác với những "cò" khác: Sau năm 2008 (năm mà giá nhà Mỹ lao dốc và hàng trăm ngàn người bỏ nhà ra đi), ông ta mua một chiếc xe buýt vào sinh nhật lần thứ 40 của ông ấy để cung cấp tour miễn phí vòng quanh những ngôi nhà bị đóng cửa trong khu vực. Ông ấy có vẻ rất trí thức, và có đạo đức một cách ngạc nhiên. Quan điểm của tôi về những người trung gian nhà đất từ trước đến nay không tốt - tôi nghĩ rằng họ làm tất cả những gì có thể để kiếm tiền, vì thế tôi không biết nên tin người đàn ông này tới đâu. Dù sao đi nữa ông ấy cũng không phải là nhân vật chính của câu chuyện này. Ông ta đưa chúng tôi lên xe buýt, lái một vòng quanh từ nhà này đến nhà kia để giới thiệu với chúng tôi những căn nhà bị ngân hàng thu hồi.
Marc Joseph
Marc Joseph dẫn chúng tôi đến căn nhà thứ 5. Ngôi nhà này nhìn đẹp đẽ và sang trọng hơn 4 ngôi nhà trước, khiến tôi nghĩ rằng chủ nhân ngôi nhà này có vẻ đã từng giàu có. Dù sao đi nữa thì bây giờ, 3 năm sau khi bong bóng bất động sản vỡ, cả người giàu lẫn nghèo đều mất nhà cửa. Câu chuyện mất nhà không phân biệt giàu nghèo: Những năm 2006, 2007 với tín dụng rẻ tiền, người Mỹ có thể mua nhà với giá cực rẻ và không cần phải đặt cọc nhiều. Vì thế, người Mỹ đã mộng tưởng rằng đây là thời điểm để hoàn thành Giấc mơ Mỹ (rằng mỗi gia đình có một ngôi nhà để ở). Một vài người khác mua nhà để bán lại và kiếm lời. Vài năm sau, bong bóng nhà vỡ ra, người mất cả tiền lẫn nhà.

Cả nhóm đi vòng quanh ngôi nhà để ngắm vào những gì còn lại, nhìn vào cái không gian mà đã từng là nơi sinh sống của một gia đình. Căn nhà có 3 phòng ngủ và 2 phòng tắm, một kích cỡ vừa đủ cho một gia đình Mỹ. Giống như những căn nhà trước, ngôi nhà đã được sửa chữa bởi ngân hàng để được bán lại với giá cao hơn nên chúng tôi khó hình dung được gia đình nào đã từng sống ở đây. Tuy nhiên, khi tôi bước vào một căn phòng ở góc phải ngôi nhà, một vật lớn màu đen treo trên tường khiến tôi phải chú ý.

Đó là một cái bảng. Bảng đen, với hình vẽ và những dòng chữ  viết bởi gia đình chủ nhân ngôi nhà. Không hiểu sao dù ngôi nhà đã được sửa chữa hoàn toàn, tấm bảng này vẫn được để lại, và cũng không ai lau chùi những dòng chữ trên bảng. Tôi nhìn vào những hình vẽ trên bảng, đọc một vài dòng chữ, vừa nở nụ cười vừa nghĩ rằng gia đình này dễ thương làm sao. Tấm bảng đầy những dòng chữ động viên nhau, gọi tên nhau, đầy lời yêu thương trong gia đình. Tuy nhiên, nụ cười của tôi tắt ngay khi đôi mắt tôi hướng về những gì được viết rất nhỏ nhắn ở góc dưới tay phải:


"Yêu con nhiều lắm. Kí tên: Mẹ"
"Những dòng chữ cuối cùng viết trên tấm bảng
10/2001 - 11/2011"
"Cuộc sống ở đây là một quãng đời đẹp"

Từ giây phút ấy, tôi cảm thấy ngột ngạt trong lòng, tò mò muốn biết chuyện gì đã xảy ra với gia đình này sau khi họ rời khỏi ngôi nhà này vào tháng 11 năm 2011. Có rất nhiều người xứng đáng hứng chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng nhà năm 2007-2008 vì họ cố gắng lợi dụng bong bóng kinh tế để kiếm tiền, nhưng gia đình này nhất định không phải là một trong số ấy. Tôi có cảm giác rằng họ lchỉ muốn sở hữu một gia đình - không chỉ "sở hữu một ngôi nhà". Tôi chưa gặp gia đình này bao giờ, và sẽ không bao giờ gặp. Tôi chỉ trân trọng họ vì tình cảm họ dành cho nhau.

"Con có thể trở thành bất cứ điều gì con muốn"


Hôm nay là một dịp đặc biệt, nên bài post này mình xin mạn phép kể 3 câu chuyện sau:

(I) Tuần trước The Voice UK mùa thứ 2 có một thí sinh đặc biệt tên Katie Evans. Cô này từng là một người nghiện rượu và cuộc đời cô chỉ được cứu vãn khi cô sinh ra đứa con trai đầu lòng. Đứa bé là một động lực rất lớn để giúp cô từ bỏ rượu chè, và cô quyết định đi thi The Voice chỉ để gửi cho đứa con trai 3 tuổi một thông điệp: "Con có thể trở thành bất cứ điều gì con muốn." (You can do whatever you want to do)

(II) Khi nghe câu nói ấy, mình đột nhiên giật mình. Nghĩ lại mới nhớ ra có một người từng nói câu nói ấy, giống đến từng-chữ-một. J.D. (xin phép được giữ kín tên vì lý do cá nhân) là một người Mỹ gốc Guatemala. Cô nhập cư bất hợp pháp cùng với mẹ khoảng 15 năm trước, và sau này lấy một người chồng cũng là dân Latin nhập cư phi pháp. Mình không rõ bây giờ họ đã được công nhận là công dân Mỹ chưa, nhưng họ đã có một đứa con năm nay 10 tuổi. Họ ly hôn cách đây 2 năm và thằng bé trở nên im lặng một cách đáng sợ. Rất may nhờ có tổ chức Big Brothers Big Sisters của Mỹ mà giờ mình đã có cơ hội trở thành anh nuôi của thằng bé, mục đích chính là giúp nó nhìn vào cuộc sống một cách tươi đẹp hơn. Mọi chuyện giờ đã trở nên tốt đẹp: người chồng rất thường xuyên ghé thăm đứa bé, và đứa bé cũng trở nên vui vẻ hơn. Điều đáng nói là mỗi lần mình dẫn đứa bé đi chơi, người mẹ đều hỏi thăm chuyện học tập của mình trước mặt đứa bé - làm cách nào mình vào được Princeton từ VN - cũng chỉ để truyền tải một thông điệp đến nó: "Con có thể trở thành bất cứ điều gì con muốn."

(III) Tôi còn biết chuyện của một người mẹ khác. Người mẹ thứ 3 này tốt hơn Katie Evans - cô chưa bao giờ nghiện rượu. Xuất thân là một cô gái nhà quê, người mẹ này cũng làm một điều tương tự như J.D. khi cô di cư từ Guatemala đến Mỹ: cô cũng rời vùng quê và chuyển lên thành phố mong rằng con mình sẽ có một cuộc sống tốt hơn. Đối với con trai cô, đây là quyết định dũng cảm nhất trong cuộc đời mẹ, vì đi đến một thành phố lớn kiếm việc làm khi mới còn 18 tuổi, 1 con và chưa học xong phổ thông là một quyết định hết sức khó khăn. Mới đầu cô trang trải bằng công việc rửa chén bát ở một khách sạn, phụ giúp cho người chồng làm thợ điện. Sau cô được tuyển vào làm nhân viên chính thức của khách sạn, cuộc đời ổn định hơn và cô bắt đầu đi học bổ túc buổi tối để trở thành người học đủ và có bằng cấp. Chồng cô cùng thời gian ấy học đại học ở một thành phố khác, nên mỗi tối khi đi học, cô phải đem con trai mình đến lớp, ngồi bàn đầu như một học sinh chính thức. Mẹ 23 tuổi và đứa con trai 5 tuổi, ngồi trong một lớp học ban đêm trình độ lớp 10 phổ thông và đọc Truyện Kiều. Hai mẹ con rất hay đọc thơ cùng nhau, và đứa con vì thế biết một ít bài thơ nữa ngoài những bài nó học trên lớp Mẫu giáo. Mỗi khi bố xa nhà, hai mẹ con lại quắn quít như thế, rồi vì tuổi tác không xa cách mấy, hai mẹ con cùng lớn lên vừa như mẹ và con, vừa như hai người bạn.

Người mẹ thứ 3 này chính là mẹ của mình. 

Mẹ à, hôm nay sinh nhật mẹ lại khiến con nhớ lại rất nhiều điều mẹ làm cho con, rất nhiều yêu thương mẹ dành cho con từ khi con còn nhỏ đến bây giờ. Lúc đó con còn nhỏ nên ký ức có phần đã nhạt nhòa, nhưng có rất nhiều điều đặc biệt đến mức con không bao giờ quên được. Mẹ chưa bao giờ trực tiếp nói với con "Con có thể trở thành bất cứ điều gì con muốn", nhưng con hiểu được chính xác điều đó qua sự động viên của mẹ khi con tham gia các cuộc thi Tin học từ nhỏ đến lớn, khi con phỏng vấn học bổng, khi con quyết định đi học xa. Cứ mỗi khi con có một dự định mới cho tương lai, phải đi xa, mẹ lại lo lắng, không muốn cho con đi nhưng rồi lại ủng hộ hết mình. Mẹ lúc nào cũng là người thấu hiểu con muốn cái gì. Có một câu rằng: "Bố nói những gì con chưa biết. Mẹ biết những gì con chưa nói". Cảm ơn mẹ.

CHÚC MẸ SINH NHẬT VUI VẺ.
Hồi còn nhỏ


El Papá


Lúc còn nhỏ, mình ít khi hỏi bài ba. Khi mình chia sẻ điều này với một số người, họ hay bảo "thằng này tự lập từ bé," mình chỉ cười đùa. Sự thật đơn giản hơn nhiều: bất cứ khi nào hỏi bài ba, mình đều không hiểu. Ba mình rất giỏi hù dọa mình - một đứa học sinh tiểu học/cấp 2 - bằng những kiến thức ba học được từ ĐẠI HỌC BÁCH KHOA Tp HCM. Chắc cũng giống như cách mình hay nói đùa với các bạn trường Năng Khiếu rằng: "Giáo viên bằng càng cao, thì càng dạy không hay," câu nói này trong trường hợp ba mình cũng có phần đúng. Trong ký ức của mình vẫn còn đọng lại một số đồ thị hàm sin, hàm cos hình sóng mà ba vẽ ra khi mình đơn giản chỉ hỏi một bài vậy lý lớp 6. Sau khi thử hỏi ba chuyện bài tập về nhà một vài lần, mình rút ra được kinh nghiệm rằng chắc tự học sẽ dễ hiểu và tiết kiệm thời gian hơn.

Có một năm mình đoạt giải cuộc thi tin học gì đó. Lên báo. Lúc đó, phóng viên hỏi "Bố mẹ dạy cho em những kiến thức này à?" Lúc đó mình cũng khó nghĩ, không biết nói làm sao cho phóng viên hiểu rằng điều quan trọng nhất mà ba mẹ cho mình không phải là kiến thức, mà là cái gì đó lớn hơn nhiều. Rất nhiều. Ngồi kèm cặp bên bàn học, dạy dỗ kiến thức có lẽ chỉ có ý nghĩa trên bề nổi; nhưng quan trọng hơn nữa là ba luôn cho mình động lực và định hướng cho cuộc sống. Mình nhớ lúc còn nhỏ, mình hay hỏi ba chuyện mình thích đi học ở Sài Gòn, hoặc ở nước ngoài. Mỗi lần, ba đều nói "Con muốn đi học xa thì phải tự kiếm cơ hội mà đi". Dạo này, nhiều đêm ngồi học, mình vẫn còn không tin được làm sao một câu nói đó thôi đã đưa mình đi xa đến như vậy, từ phố thị Phan Rang, đến học sinh chuyên Tin của trường Năng Khiếu, rồi UWC (Trường Liên kết Thế giới), và nay là Princeton.

Suốt chặng đường ấy, không những ba tạo động lực cho mình nắm bắt cơ hội, mà còn luôn hỗ trợ về mặt tinh thần một cách tốt nhất. Ba mình đã không thể tham dự tất cả những buổi trao giải thưởng hay lễ tốt nghiệp của mình kể từ khi mình đi học xa, nhưng những gì ba đã "tham dự" có ý nghĩa hơn nhiều. Ba không có mặt khi mình nhận giải HSG quốc gia, hay Olympics 30/4, hay học bổng; nhưng ba là người đã cấp tốc ủng hộ, mua vé xe khách và lái xe máy vòng vòng Sài Gòn để đưa mình đi thi Năng Khiếu - xuất phát điểm của mọi thành công. Ba không có mặt khi mình tốt nghiệp UWC, nhưng ba là người đã bay với mình ra Hà Nội khi mình đi thi học bổng. Lúc đậu MIT, Princeton với mấy trường khác cũng chỉ có thể đánh thứ ba dậy lúc 3h sáng bằng một cuộc điện thoại từ Mỹ; nhưng trước đó mấy tháng, khi mình đang đau đầu viết đơn cho Princeton và các trường, ba là người trấn an mình rằng "Học ở trường nào cũng được, con đã cố hết sức rồi thì thôi. Nếu mình thực sự giỏi thì học ở đâu cũng giỏi".

Nói dông nói dài, cũng chỉ có một quy luật sinh học đơn giản, ai cũng hiểu (bây giờ học sinh lớp 5 cũng đã học về cái này rồi):

KHÔNG CÓ BA, THÌ KHÔNG CÓ CON.

Chúc mừng sinh nhật ba. 43 tuổi vẫn còn trẻ để theo đuổi những dự định và đam mê của ba. Nếu mình có tài và luôn cố gắng thì cánh cửa cơ hội không bao giờ đóng. Quan trọng hơn hết là ba có một gia đình hạnh phúc mà ít ai có được. Chúc ba luôn hạnh phúc, mạnh khỏe và thành công.



Mục đích


1. Mục đích của tôi trong thế giới này là gì?

Câu này mình có hỏi trên facebook vài tuần trước, thực ra là hỏi bản thân. Dạo gần đây thì hầu như chỉ học nhiều, làm thêm nhiều; rảnh được chút nào thì tranh thủ đọc sách kinh tế, tham gia câu lạc bộ kinh tế tiền tệ. Trong đầu thì lúc nào cũng nghĩ về đại số tuyến tính, đi ngoài đường cũng ráng giải bài tập môn tối ưu hóa. Thực ra không biết từ khi nào mình lại trở nên nghiêm túc về tương lai như vậy, cứ giữ trong đầu tư tưởng rằng một phút không làm việc là một phút lãng phí, ảnh hưởng đến tương lai sau này. Thế rồi nhiều khi đi nhanh quá, vội quá lại quên tự ngẫm về mục đích thực của mình trong thế giới này là gì.

Thằng bạn ở phòng kế bên từng bảo rằng một trong những mục tiêu hàng đầu của nó là tìm ra lý do tại sao Chúa lại tạo ra nó, mình và những người khác. Ngồi nói chuyện với nó mình cứ cười, cố gắng không đi sâu vào cuộc tranh luận cũ mèm về việc liệu thần thánh có tồn tại hay không. Mình không quan tâm. Tuy nhiên, dù không có một lí do cụ thể, mình vẫn tin rằng mỗi người tồn tại trong thế giới này vì một mục đích. Như trong phim Hugo mà mình thích có nói: Thế giới này như là một cỗ máy khổng lồ mà trong đó mỗi người là một bánh răng với một chức năng cụ thể; không có bộ phận nào là thừa.

Hồi cấp 1 và cấp 2 thì cứ nghĩ rằng mục đích của mình là học thật giỏi và trở thành kĩ sư phần mềm ở Thung lũng Silicon. Đối với những ai chưa biết, cái "mục đích" này là lý do tại sao mình cố gắng học và thi vào chuyên Tin Phổ Thông Năng Khiếu. Cái mục đích này thực ra được nuôi dưỡng rất lâu - khoảng 6 năm. Suốt 6 năm mình chỉ biết rằng muốn trở thành kĩ sư phần mềm thì phải giỏi, và muốn giỏi thì phải học. Chưa một lần mình cố gắng hỏi bản thân một câu hỏi thực ra lại mang tính quan trọng nhất: Tại sao mình lại muốn trở thành một kĩ sư phần mềm?

Mãi đến sau này, sau khi thi Quốc gia môn Tin học xong, sang Mĩ rồi mới có thời gian suy nghĩ lại. Suy cho cùng thì dù môn Tin học là môn mình tập trung vào nhiều nhất, và "có vẻ" là thích nhất, cái lí do để mình học Tin học thực ra khá ấu trĩ. Thực ra thì, toàn bộ những kế hoạch và phấn đấu trong bộ môn này xuất phát từ một buổi nói chuyện của ba mẹ khi mình học lớp 4: Ba bảo nếu mình giỏi thì có thể trở thành kĩ sư phần mềm ở thung lũng Silicon. Từ đó, một cách vô điều kiện, mình học Tin chỉ để trở thành một điều gì đó mà sẽ khiến ba mẹ vui lòng.

Đến khi sang Mĩ mới cố gắng suy nghĩ lại, và chuyển định hướng sang làm những gì mà sẽ khiến MÌNH vui lòng (và tất nhiên, không phiền lòng ba mẹ). Sau một thời gian mới phát hiện ra mục đích mới của mình trong thế giới: trở thành một nhà Kinh tế học. Cái danh hiệu này đối với mình 3 năm về trước không đáng một xu. Nhưng càng học Kinh tế, càng tìm hiểu thực tế mới càng biết rõ tuy mình không thể đột phá vào tương lai như những nhà khoa học tài ba, trở thành một nhà kinh tế vĩ mô có thể dễ dàng thay đổi một cách trực tiếp nhất cuộc sống của nhiều người trong xã hội. Nhiều khi mình nghĩ: Đối với những bạn nhà khá giả, việc có một máy tính đời mới nhất là cần thiết; nhưng đối với nhiều bạn nhà nghèo, việc đủ ăn mới là cần thiết. Và ngẫm lại với gốc gác và nơi mình xuất thân thì việc gia đình không có đủ ăn không phải là chuyện lạ.

Vậy nên, không biết tự khi nào, mình mới xác định mục đích của mình trong cuộc sống này là "thay đổi cuộc sống của nhiều người khác", thông qua cách thức "trở thành một nhà kinh tế học". Đó là một mục đích có ý nghĩa, và kinh tế thực sự là những gì mình thích học. Tất nhiên, việc theo đuổi một tư tưởng như thế đi kèm với nhiều cái giá: phải đi học xa nhà, không giữ được liên lạc với bạn bè trong nước, không có được thời gian chơi và xem phim nhiều như một bạn bình thường cùng lứa, không tập guitar được như mình muốn...

Thế mà, dạo gần đây, mình lại nghĩ: "Tại sao phải là mình? Nếu mình không làm chuyện này, liệu có ai làm không?" Suy cho cùng, câu hỏi là: "Liệu mục đích thực sự của mình là gì, và mình sống cho ai?"

2. Nếu bạn nào tinh ý thì sẽ phát hiện, đây là bài viết đầu tiên bằng tiếng Việt kể từ khi chuyển sang blog mới hồi hè này. Có lẽ lý do đầu tiên và duy nhất về tại sao mình blog bằng tiếng Việt là vì mình muốn kết nối trở lại với các bạn bè Việt của mình, những bạn mà chắc chắn sẽ ko đủ thời gian/kiên nhẫn đọc bài tiếng Anh của mình. Hi vọng sau bài này, mọi người có thể hiểu hơn một chút về mình và định hướng của mình.