Saturday, February 21, 2015

Những cuộc điện thoại và lá thư (phần 2)

(Nếu chưa đọc, mọi người có thể đọc phần 1 của post này ở đây.)

Trưa hôm nay, 20/2/2015, 6 năm kể từ khi mình nhận được cú điện thoại báo tin đậu UWC, mình đã đi một chặng đường dài. 2 năm UWC đã dạy mình thật nhiều về cách sống, văn hóa ứng xử của phương Tây, khiến mình lớn lên rất nhiều trong suy nghĩ và nhân cách. 4 năm Princeton thực hiện nhiệm vụ còn lại: dạy mình thật nhiều kiến thức, tạo nền tảng hiểu biết vững vàng về môn kinh tế nói riêng và ngành học thuật nói chung. 6 năm này đã chứng kiến biết bao thay đổi về bản thân, trong đó có việc mình bắt đầu rất thích học kinh tế (đặc biệt là kinh tế vĩ mô) và quyết tâm theo đuổi bộ môn này ở Princeton.

4 năm học kinh tế ở Princeton dài đằng đẵng. Năm thứ nhất, ngồi học lớp kinh tế vĩ mô cơ bản (Econ 101) của giáo sư Elizabeth Bogan, mình thật sự bị cuốn hút bởi sự cuồng nhiệt (xin lỗi vì phải dùng tới chữ "cuồng" mới thể hiện hết nhiệt huyết của giáo sư này) của giáo sư Bogan mỗi khi cô thuyết giảng về một chủ đề kinh tế nào. Mình còn nhớ bài đầu tiên là nói về khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008-2009. Mới ngày đầu đi học đã bị nhồi vào đầu biết bao nhiêu là khái niệm như CDO, CDS, MBS, AIG,... ngày đầu tiên học kinh tế ở Princeton làm mình cũng "khủng hoảng" theo nền kinh tế. Thế nhưng, sau khi đọc thêm, hiểu thêm, rồi đọc thêm nữa, mình mới thấy bộ môn này thiết thực đến mức nào. Cũng trong năm 1, một giáo sư của Princeton, thầy Chris Sims, được trao giải Nobel kinh tế. Hôm đó học sinh kinh tế được cho nghỉ học để đi dự buổi họp báo của thầy. Khi ấy, từ trên hàng ghế lầu 2 của hội trường nhìn xuống, thấy ngưỡng mộ thầy làm sao. Đây là những con người mà, trong suốt cuộc đời của họ, nghiên cứu từ niềm đam mê và một cách gián tiếp cống hiến cho sự phát triển của xã hội.

Thế là sang năm 2, mình tiếp tục học một lèo 6 lớp kinh tế nữa, tất cả đều xoay quanh lý thuyết kinh tế vĩ mô, kinh tế quốc tế, tiền tệ, và khủng hoảng tài chính. Càng học mình càng biết là mình đã không chọn nhầm ngành. Sang năm 3, mình quyết tâm theo học 2 lớp kinh tế vĩ mô dành cho first year PhD students (nghiên cứu sinh tiến sĩ năm nhất). Theo học 2 lớp này, phần là vì mình rất thích kinh tế vĩ mô và đã học gần hết những lớp dành cho sinh viên đại học, phần là vì đạt được điểm cao trong những lớp này sẽ giúp ích nhiều trong việc nộp đơn xin học tiến sĩ sau này. Sang năm 4, mình lại tiếp tục học kinh tế vĩ mô quốc tế - lớp dành cho nghiên cứu sinh tiến sĩ năm 2. Học chung lớp với những nghiên cứu sinh không những mở rộng tầm kiến thức của mình, mà còn tạo nên sự tự tin cần thiết: mình chứng minh được với bản thân rằng nếu mình học thật chăm thì không thể nào thua kém nghiên cứu sinh được.

4 năm học kinh tế ở Princeton dài như thế, cuối cùng cũng đem lại kết quả. Trưa hôm nay, 20/2/2015, khi đang ngồi đau tim chờ kết quả của các chương trình PhD, thì bỗng thấy có một người nào đó bảo là đã được Harvard nhận vào học tiến sĩ, thông báo qua điện thoại. Khi đọc được điều ấy thì mình và đứa bạn cùng nộp đơn học tiến sĩ năm nay hoảng cả lên và mất hết cả tinh thần, vì thông thường khi các trường thông báo cho những người đậu trước, còn những ai không được nhận thì sẽ không nghe thông báo gì mải đến khoảng 1 tuần sau. Hai đứa hốt hoảng cả lên và chat với nhau những câu buồn hiu trên Facebook, nghĩ rằng coi như rớt Harvard rồi. Mình lúc đó đang dùng điện thoại để chat, đang gõ mặt mếu " : ( " giữa chừng thì bị gián đoạn không gõ được, vì có ai đó số lạ gọi vào điện thoại.

Số điện thoại gọi từ Massachusetts.
(Harvard ở bang Massachusetts)

"Điều này chỉ có nghĩa là Harvard đang gọi điện cho mình" - mình thầm nghĩ. Mà gọi điện thì chỉ có báo đậu, chứ không có báo rớt. Vậy là mình đậu rồi sao?

Lúc đó hai tay mình run lên, bấm nút nhận cuộc điện thoại.

"Chào, tôi là giáo sư Helpman của ĐH Harvard, và tôi đang gọi điện cho em để báo rằng em đã được nhận vào làm nghiên cứu sinh cho chương trình tiến sĩ 5 năm bộ môn Kinh tế ở Harvard..." - đầu dây bên kia nói.

Thực ra lần này mình không có cảm xúc vỡ òa như những lá thư hay cuộc điện thoại như những lần trước. Thực ra là không cảm thấy gì. Không có một chút cảm xúc gì.

2 phút sau khi cuộc điện thoại kết thúc, mình mới nhận ra là vì vui quá, shock quá nên mới không biểu cảm được gì. 2 phút sau niềm vui đó mới thấm, tay bắt đầu run, và bắt đầu bấm điện thoại để đánh thức ba mẹ dậy lúc 2h sáng Việt Nam để báo tin vui.

--------

Vào thời điểm này, mình không biết chắc là sẽ đi học ở Harvard hay không (giờ này vẫn đang ngóng chờ cuộc điện thoại hay email nào đó từ MIT). Dù gì đi chăng nữa, có Harvard là kế hoạch dự phòng cũng đã là giấc mơ rồi. 4 năm cố gắng ở Princeton cuối cùng đã được đền đáp. Cuộc điện thoại này là cuộc điện thoại đánh dấu một dấu mốc mới trong cuộc đời :)

Vui lắm ngày 20/2/2015.


Friday, February 20, 2015

Những cuộc điện thoại và những lá thư (phần 1)

2h19' sáng. Từ trong căn phòng ký túc xá ở Princeton nhìn ra cửa sổ chỉ còn thấy cái bóng của những cành cây, một nền phủ đầy tuyết, và những ngọn đèn le lói.

Hôm nay mình có một niềm vui khó tả bằng lời.
Hôm nay, mình nhận được một cuộc điện thoại.

2h19' sáng, cuộc điện thoại ấy vẫn còn mơn mởn trong đầu mình, khiến mình không ngủ được. Chợt nhớ lại, thực ra cũng đã có một vài lần một cuộc điện thoại hay lá thư nào đó đã khiến mình cảm thấy như thế này.

(1) Hôm đó là một buổi trưa hè khi mình còn học lớp 5. Khoảng nửa tháng trước đó, mình đi theo đoàn thi tin học trẻ không chuyên của Bưu điện Ninh Thuận vào Sài Gòn để tham dự cuộc thi tuyển chọn đội tuyển tin học cho ngành bưu điện. Vì mới sắm máy tính và học tin học được mới khoảng vài tháng, năm đó tinh thần là đi thi cho vui (hồi đó mình rất mê đi Sài Gòn, nên bảo đi chơi là đi ngay!). Chắc thành quả lớn nhất của chuyến đi đó là sắm được một con gấu bông cho thằng em trai (lúc đó mấy tháng tuổi) ở nhà.

Trưa hôm đó, lúc mình đang chơi ở nhà hàng xóm thì bị mẹ gọi về đột xuất. Nhìn mẹ có vẻ nghiêm trọng lắm khiến mình lúc đó không hiểu mình đã làm gì sai. Về đến sau bếp thì thấy ba, vừa đi làm về, tay cầm một lá thư đã mở. Ba cũng nghiêm mặt, hỏi:
- "Bữa con đi thi tin học làm bài kiểu gì mà kì vậy?"
- "Dạ thì con thấy bình thường thôi, chứ kì sao hở ba?" - Mình không hiểu đầu cua tai nheo gì, đành hỏi lại.
- "Làm bài kiểu gì mà để người ta viết thư về cho ba mẹ nè?"

Càng lúc càng không hiểu gì, mình đành hỏi lại:
- "Vậy là rớt rồi hở ba?"

Đến lúc đó, ba mẹ không nhịn được cười nữa, liền cười phá ra và nói to: "Đậu rồi! Đi Hà Nội rồi!" Cả ba lẫn mẹ đều nhảy cẫng cả lên. Hóa ra mình đã được chọn vào đội tuyển của ngành Bưu điện để đi thi toàn quốc, phải ra Hà Nội để tập huấn nửa tháng. Sau 5 giây chậm hiểu, cuối cùng mình cũng hiểu chuyện gì đã xảy ra, và cũng nhảy cẫng lên vì sung sướng. Chưa bao giờ mình thấy vui như ngày hôm ấy. Tim đập thình thịch. Cơm trưa ăn không được. Người ta hay nói "sướng nghẹn lòng," mà phải đến lúc đó mới hiểu sướng nghẹn có nghĩa là gì. Cảm giác ấy cứ như có một vật chắn ngang cổ họng, nói cũng khó, mà ăn cũng khó.

Năm đó là lần đầu tiên mình đi xa mà không có người thân đi cùng. Năm đó mình ra Hà Nội học thật nhiều, và được luôn giải Nhì toàn quốc. Không hiểu sao khi những lần sau đoạt bất cứ giải gì, dù cảm thấy sung sướng, vẫn không sướng bằng cái lần đầu nhận đc tờ thư mời đi học ở Hà Nội. Chắc qua thời gian thì mình quen dần với những chuyện đó, nhưng kỷ niệm của lần đầu thì thật khó quên. Lá thư đó là khởi đầu của cả một hành trình học tin học kéo dài nhiều năm liền sau đó :).

(2) Hôm đó cũng là một buổi trưa. Lúc đó mình đang là học sinh lớp 11 Tin trường Phổ Thông Năng Khiếu. Năm đó mình tập trung học thi quốc gia đến tận tháng 3, rồi may mắn được lọt vào phỏng vấn học bổng UWC ở Hà Nội vào cuối tháng 3. Đi phỏng vấn về, dù cảm thấy mình đã rất tự tin và làm hết sức có thể, vì có quá nhiều bạn giỏi giang và xứng đáng cũng cùng đi phỏng vấn, niềm hy vọng mà mình nuôi trong lòng lúc đó thực ra rất mỏng manh.

Hôm đó là thứ 3 - mới 3 ngày kể từ khi trở về từ Hà Nội. Đang ngồi học trong lớp thì cái điện thoại Trung Quốc vỡ màn hình của mình rung liên hồi. Điện thoại của ba. Vì đang ngồi học trong lớp, mình tắt mà không nghe máy. Tầm 5' sau, tin nhắn từ ba viết: "Cô Hải Anh ở UWC mới gọi điện thoại cho ba. Chúc mừng con đã được chọn để học ở UWC ở Mỹ."

Phải nói lúc đó mình không cảm nhận được gì từ thế giới xung quanh nữa. Mình lẳng lặng xin phép thầy ra ngoài, gọi điện liền cho ba để hỏi cụ thể hơn chi tiết. Gọi cho ba mới biết ba vui mừng cỡ nào. Lúc đó mình cũng chỉ muốn hét lên, nếu không phải là vì mọi người đang học ở trong lớp. Hôm đó mình rất vui, vui là vì mình đã chứng minh cho ba được một điều mình muốn làm khi còn bé.

Còn nhớ có một lần trên đường đi biển về, khi dừng lại ở ngã tư vì đèn giao thông, mình nói với ba:
- "Ba ơi, con muốn cấp 3 vô Sài Gòn học. Rồi sau đó đi du học ở nước ngoài."
- "Con muốn đi đâu học ba mẹ cũng ủng hộ, nhưng nhà mình không có điều kiện, nên con tự kiếm được học bổng thì con đi" - ba trả lời.

Câu nói đó của ba là câu nói ăn sâu vào tâm trí, làm mình lúc nào cũng tự nhắc là mình muốn đi trên con đường nào thì phải tự vạch ra con đường đó để đi. Hồi 11 tuổi, mình đã vạch ra và theo đuổi con đường tin học và đạt được những thành công nhất định. Năm lớp 11, mình đã vạch ra con đường du học, mở đầu cho những năm học quý giá ở UWC và Princeton sau này.
----------

Khoảng cách giữa lá thư ở (1) và cuộc điện thoại ở (2) là 6 năm (2003 và 2009). Rất tình cờ rằng, 6 năm sau, chính xác là năm 2015, mình lại nhận được một cuộc điện thoại đổi đời nữa vào ngày 21/2/2015. Post tiếp theo sẽ nói về cuộc điện thoại này :)