Tuần trước, tôi đi một chuyến đến thăm bang Florida cùng 10 học sinh Princeton khác để học và thị sát hậu quả của khủng hoảng thị trường nhà ở đây. Lúc đầu, tôi định viết một bài blog mỗi ngày của chuyến đi, nhưng lịch làm việc của nhóm mỗi ngày kéo dài từ 9am-8pm (họp hành, hoạt động tình nguyện,...) khiến tôi không thể viết được nhiều như mong muốn. Chúng tôi đi đến một số thành phố khác nhau: Fort Myers, Lehigh Acres, Miami, Miami Beach, Overtown, và thành phố Liberty. Ở mỗi thành phố, chúng tôi đã có cơ hội đi thăm những ngôi nhà bị bỏ hoang hoặc bị ngân hàng thu hồi, nói chuyện với một số tổ chức phi chính phủ, gặp mặt với một số cơ quan Chính phủ (trong số đó, nhóm chúng tôi đã được mời ăn trưa cùng với thị trưởng của thành phố Miami Beach), vận động dân chúng (gõ cửa từng nhà một để vận động người dân không bỏ nhà cửa để trốn nợ nần, cũng như bảo người dân rằng họ có cơ hội được tư vấn luật miễn phí). Vì chúng tôi đã làm khá nhiều việc, toi quyết định viết bài blog này theo kiểu "kể truyện", tức là, tôi sẽ kể lần lượt những câu chuyện có ảnh hưởng sâu sắc nhất với tôi trong toàn chuyến đi.
Chuyện thứ 1: Tấm bảng đen
Marc Joseph là một trung gian nhà đất - "cò nhà đất" hiểu theo nghĩa của người Việt Nam. Ông ấy hơi khác với những "cò" khác: Sau năm 2008 (năm mà giá nhà Mỹ lao dốc và hàng trăm ngàn người bỏ nhà ra đi), ông ta mua một chiếc xe buýt vào sinh nhật lần thứ 40 của ông ấy để cung cấp tour miễn phí vòng quanh những ngôi nhà bị đóng cửa trong khu vực. Ông ấy có vẻ rất trí thức, và có đạo đức một cách ngạc nhiên. Quan điểm của tôi về những người trung gian nhà đất từ trước đến nay không tốt - tôi nghĩ rằng họ làm tất cả những gì có thể để kiếm tiền, vì thế tôi không biết nên tin người đàn ông này tới đâu. Dù sao đi nữa ông ấy cũng không phải là nhân vật chính của câu chuyện này. Ông ta đưa chúng tôi lên xe buýt, lái một vòng quanh từ nhà này đến nhà kia để giới thiệu với chúng tôi những căn nhà bị ngân hàng thu hồi.Marc Joseph |
Cả nhóm đi vòng quanh ngôi nhà để ngắm vào những gì còn lại, nhìn vào cái không gian mà đã từng là nơi sinh sống của một gia đình. Căn nhà có 3 phòng ngủ và 2 phòng tắm, một kích cỡ vừa đủ cho một gia đình Mỹ. Giống như những căn nhà trước, ngôi nhà đã được sửa chữa bởi ngân hàng để được bán lại với giá cao hơn nên chúng tôi khó hình dung được gia đình nào đã từng sống ở đây. Tuy nhiên, khi tôi bước vào một căn phòng ở góc phải ngôi nhà, một vật lớn màu đen treo trên tường khiến tôi phải chú ý.
Đó là một cái bảng. Bảng đen, với hình vẽ và những dòng chữ viết bởi gia đình chủ nhân ngôi nhà. Không hiểu sao dù ngôi nhà đã được sửa chữa hoàn toàn, tấm bảng này vẫn được để lại, và cũng không ai lau chùi những dòng chữ trên bảng. Tôi nhìn vào những hình vẽ trên bảng, đọc một vài dòng chữ, vừa nở nụ cười vừa nghĩ rằng gia đình này dễ thương làm sao. Tấm bảng đầy những dòng chữ động viên nhau, gọi tên nhau, đầy lời yêu thương trong gia đình. Tuy nhiên, nụ cười của tôi tắt ngay khi đôi mắt tôi hướng về những gì được viết rất nhỏ nhắn ở góc dưới tay phải:
"Yêu con nhiều lắm. Kí tên: Mẹ"
"Những dòng chữ cuối cùng viết trên tấm bảng
10/2001 - 11/2011"
"Cuộc sống ở đây là một quãng đời đẹp"
Từ giây phút ấy, tôi cảm thấy ngột ngạt trong lòng, tò mò muốn biết chuyện gì đã xảy ra với gia đình này sau khi họ rời khỏi ngôi nhà này vào tháng 11 năm 2011. Có rất nhiều người xứng đáng hứng chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng nhà năm 2007-2008 vì họ cố gắng lợi dụng bong bóng kinh tế để kiếm tiền, nhưng gia đình này nhất định không phải là một trong số ấy. Tôi có cảm giác rằng họ lchỉ muốn sở hữu một gia đình - không chỉ "sở hữu một ngôi nhà". Tôi chưa gặp gia đình này bao giờ, và sẽ không bao giờ gặp. Tôi chỉ trân trọng họ vì tình cảm họ dành cho nhau.
Khủng hoảng và biến động trong nhà cửa, kinh tế nhưng nó ko làm khủng hoảng được tình cảm của họ dành cho nhau.
ReplyDelete