Tuesday, May 14, 2013

Con chó ở khu nhập cư Haiti (Những câu chuyện ở bang Florida phần 2)

(Viết vào 25/3/2012)

Ở Trung tâm Lao động Miami, chúng tôi làm đủ mọi thứ. Công việc tốn thời gian nhất là một cuộc vận động từng gia đình rằng Trung tâm có hỗ trợ tư vấn pháp lý cho những ngôi nhà sắp bị thu hồi. 3 ngày liền, mỗi ngày 2-3 tiếng, chúng tôi đi vòng quanh những cộng đồng dân cư của thành phố Liberty, chủ yếu là cộng đồng người nhập cư từ Cuba (Little Havana) và cộng đồng người Haiti (Little Havana), cùng với những người nhập cư gốc Latin khác. Mỗi buổi chiều, chúng tôi nhận được một danh sách dài của những nhà sắp bị ngân hàng thu hồi (vì không đủ khả năng trả nợ mua nhà), và chúng tôi đến từng nhà để nói với họ rằng họ có thể được tư vấn pháp lý miễn phí.

Tôi đặc biệt thích công việc này. Gõ cửa từng ngôi nhà một có thể hơi... rùng rợn. (Tôi hay tưởng tượgn từ ảnh hưởng của phim Mỹ rằng nếu mình gõ cửa nhà một người lạ nào đó, họ sẽ xuất hiện với khẩu súng trên tay) Tất nhiên sự thật không đến nỗi thế, nhưng cũng không có gì lạ nếu ai đó đóng cửa lại ngay trước mặt mình. Ngoại trừ cái cảm giác "rùng rợn" đó ra thì có một điều khiến tôi rất tihsch công việc này: Tôi nghe được rất nhiều câu chuyện đời của những người cần được lắng nghe. Một buổi chiều, Tôi gặp một người phụ nữ chủ nhân một ngôi nhà mà không hay biết rằng căn nhà mà cô ta thuê sắp bị đóng cửa. Cô ấy rất hoảng hốt và hỏi chúng tôi làm sao để xử lý vụ này. Sau đó cô ấy nói chuyện với chúng tôi suốt 20 phút liền - cứ như là chưa có ai chịu lắng nghe cô ta nói - về chuyện cô ấy bị lừa bởi người cho vay tiền mua căn nhà trước như thế nào. Điều khiến tôi ngạc nhiên là có nhiều người rất cởi mở, dù cho đối với những người lạ như chúng tôi. Sau khi chúng tôi chia tay và đi khỏi căn nhà được vài bước, cô ấy chạy theo đưa cho chúng tôi một lọ dung dịch rửa tay (hand-sanitizer) và nói: "Chắc các bạn phải bắt tay nhiều người lắm."

Tuy nhiên câu chuyện đáng nhớ nhất là ở một ngôi nhà GẦN NHƯ bị bỏ hoang. Vật dụng trong nhà rất ngổn ngang, như thể người chủ ngôi nhà không cảm thấy cần phải dọn dẹp ngôi nhà nữa. Dù gì, họ cũng sắp bị đuổi đi. Tôi gọi vọng vào từ ngoài cổng, rồi một người đàn bà người Haiti bước ra. Bà ta có vẻ mệt mỏi, và tỏ ra buồn phiền khi chúng tôi nói về chuyện thu hồi nhà cửa. Đúng lúc đó, tôi đang chơi với một chú chó trong khu vườn trong khi đồng nghiệp của tôi nói chuyện với người chủ. Bà chủ nhận ra tôi rất thích chú chó, nên bà hỏi "Cậu thích nó à? Thích thì tôi cho." Tôi cười từ chối, đơn giản vì Princeton không cho phép tôi nuôi chó trong khu kí túc xá.

Ngày hôm sau, chúng tôi tình cờ đi ngang ngôi nhà ấy một lần nữa. Lần này chúng tôi gặp người chồng của người đàn bà ngày hôm qua. Con chó thấy chúng tôi rất mừng, chạy vượt ra ngoài hàng rào để đùa giỡn. Khi thấy tôi chơi với chú chó, ông ấy hỏi: "Cậu thích nó à? Thích thì tôi cho." 

Đúng lúc đó, tôi nhận ra được chuyện gì đang diễn ra. Họ rất muốn đẩy chú chó đi cho người khác vì họ không thể giữ nó được nữa. Hôm qua tôi vô ý - đúng là khi người ta bị đuổi ra khỏi ngôi nhà của họ chưa biết đi đâu, thì giữ một chú chó như vậy là một gánh nặng. Buồn thay, trong khủng hoảng kinh tế, chó cũng là nạn nhân. Tiếc rằng tôi phải từ chối một lần nữa. Lần này, khi chúng tôi bước đi xa khỏi ngôi nhà, chú chó không ngừng chạy theo chân tôi, như thể muốn đi theo. Người đàn ông gọi chú chó lại để chúng tôi có thể đi. Nó đứng lại ở giữa hai bên, nhìn từ bên này sang bên kia như phân vân không biết nên chạy với ai, rồi nó chạy về với chủ cũ của nó.


No comments:

Post a Comment