Thursday, September 19, 2013

Kinh tế: Chuyện như mới bắt đầu

Ngẫm lại thì hai tuần vừa rồi khá bận cho những tuần đầu năm học. Nhiều em học sinh năm nhất cứ ngây thơ hỏi, "Làm sao để chúng em có thể quản lý quỹ thời gian của mình một cách tốt nhất?" mà không hề biết rằng trong khi mình cố sức đưa cho các em những lời khuyên thì bản thân mình cũng lo lắng biết bấy nhiêu. Lo chứ, vì đây là học kì đầu mình học chuyên sâu về môn Kinh tế.

Đầu tiên là môn Kinh tế lượng (Econometrics), đáng ra cũng không đến nỗi khó lắm nếu như mình không đang được học với Chris Sims, nhà kinh tế của Princeton vừa đoạt giải Nobel năm 2012. Năm ngoái khi nghe tin thầy đứng lớp dành cho sinh viên đại học thì cả bọn trong khoa kinh tế cảm thấy sướng rơn, vì thiên về bộ môn này chắc ít ai dám khẳng định mình thấu hiểu hơn Giáo sư Sims. Thế nhưng, học xong bữa đầu tiên hồi tuần trước, đi đâu cũng nghe những nỗi niềm hoảng loạn của học sinh, còn mình thì sợ chết đứng. Vốn dĩ theo trường phái Bayesian - một trường phái của Thống kê "đối lập" với trường phái tần suất học (frequentist) - thầy không ngần ngại bỏ ra một bài giảng để thuyết phục chúng tôi rằng những gì sách giáo khoa đang dạy có thể không phải là phương án tốt nhất. Thầy cũng không ngần ngại bỏ ra một bài giảng thứ hai để truyền cho chúng tôi thông điệp rằng "Rất nhiều sách giáo khoa về Kinh tế lượng đang cố gắng thuyết phục các em tin rằng thứ họ dạy là tốt, còn tôi đứng đây là để đặt cho các em nhiều hoài nghi, để các em không ngừng tự hỏi khi đọc những kết quả thống kê". Sau ba buổi học, và sau khi đã bình tâm trở lại (và bản thân thầy cũng dạy chậm lại khi nghe nói học sinh không theo kịp những suy luận nhanh như điện của thầy trong lớp), thì nghĩ kĩ mới thấy mình thật may mắn mới được học một người "gieo rắc hoài nghi" vào suy nghĩ của học sinh như thầy. Nói như Steve Jobs là "Stay Hungry, Stay Foolish", tạm dịch là hãy cứ đói kiến thức, hãy cứ nghĩ rằng mình là kẻ ngu (để rồi còn động lực để học hỏi thêm).

Rồi còn môn Kinh tế Vĩ mô của lớp nghiên cứu sinh tiến sĩ (PhD). Ở Princeton, khoa Kinh tế có đặc cách cho những sinh viên đại học có khả năng được quyền ngồi học chung những lớp đại cương của các nghiên cứu sinh tiến sĩ. Thế là mình cũng mày mò (ham hố) theo học lớp Kinh tế Vĩ mô, ngành mà mình muốn nghiên cứu sau này. Sau hai tuần học, mình mới thấy đây là một quyết định sáng suốt. Đó không phải vì cái danh "học lớp của nghiên cứu sinh", không phải vì cái lợi là được thể hiện mình trong việc nộp đơn sau đại học, mà đó là vì mình có dịp suy ngẫm lại lúc mình học Kinh tế Vĩ mô cấp dưới mình (và chương trình) đã không cẩn thận như thế nào. Một khuyết điểm của môn Kinh tế học là tạo rất nhiều giả định để đơn giản hóa vấn đề, và dường như chương trình kinh tế ở đại học người ta đã đơn giản hóa vấn đề ấy quá mức khiến nó trở nên khó hiểu. Ngẫm lại mới nhớ ra hồi trước học Kinh tế Vĩ mô trung cấp đã có nhiều điều được xem là mặc nhiên, mình phải chấp thuận, mà rất may là học đến đây được gặp Giáo sư Rogerson, người cũng giống như giáo sư Sims, luôn bắt học sinh tự đặt câu hỏi ngược về những điều mà mình viết trên trang vở. Thầy hay hỏi những câu bất ngờ, những câu thường đơn giản, mà ít ai có thể trả lời được, hay thậm chí chưa bao giờ để ý. Có lẽ học lớp này đang và sẽ khiến mình trân trọng hơn cái bộ môn mà mình thích, vì nó lấp đầy những chỗ trống mà người ta tạo ra khi cố gắng đơn giản hóa vấn đề cho học sinh cấp dưới.

Thôi, ngồi nghỉ giải lao 20 phút có thời gian blog để kể lể những cảm nghĩ (dưới áp lực) sau những "ngày đầu tiên đi học". Giờ mới thấy mình đang bắt đầu học kinh tế.

Princeton, 19/9/13.

No comments:

Post a Comment