Thursday, September 26, 2013

Hai câu chuyện nhỏ

Một năm nữa lại trôi qua, nhanh đến không ngờ. Mới ngày nào còn ngồi lụi cụi gõ blog bài El Papá để chúc mừng sinh nhật ba mình, giờ loay hoay đã lại đến sinh nhật ba.  Cả ngày hôm nay vắt óc ra nghĩ sinh nhật ba mình ở xa thì làm được gì ngoài viết vài dòng chúc mừng để cho xứng đáng, nhưng cái đầu cạn nghĩ lại không nghĩ ra được điều gì ngoài việc kể ra đây 2 câu chuyện ngắn mới diễn ra trong hè này mà chứng tỏ ba mình là tuyệt vời nhất:

1) Khi ba phải thi lên chuyên viên chính, trong đó có một môn điều kiện là môn tiếng Anh, ba đã về hỏi mình ngay để mình ôn tập lại tiếng Anh cho ba. Chắc ít ai tuổi ngoài 40 lại kê bảng học 12 thì hiện tại, quá khứ, và tương lai, cũng như thức dậy 3h sáng mỗi đêm để ráng học thuộc bảng động từ bất quy tắc như ba của mình. Mình đã phục ba nhiều điều: tài văn thơ, cầm ca, kỹ năng giao tiếp, tính cương quyết, lòng quan tâm đến mọi người, và nhiều thứ khác. Nhưng chỉ thông qua đợt dạy tiếng Anh cho ba này mình mới học ngược lại từ ba đức tính kiên trì.

2) Khi mình bị tai nạn giao thông, lúc mình bảo mình có thể ở qua đêm trên núi rừng Bác Ái thì ba cương quyết đưa mình về Bệnh viện Tỉnh khám ngay lập tức. Ngay cả khi bác sĩ bảo mình "không bị sao", nếu không vì ba cực kỳ quyết đoán và quyết định đưa mình vào Tp. HCM ngay trong một buổi sáng, chắc giờ mình cũng đã không biết thực tế tình hình của mình nghiêm trọng thế nào. Qua dịp này mới thấy, mình chỉ được giỏi quyết đoán chuyện thiên hạ, và trong những tình huống khẩn cấp liên quan đến bản thân và người thân thì ba mình mới đúng là lý trí sáng suốt và là trụ cột cho cả nhà.



Chuyện về ba kể không hết, và hai câu chuyện nhỏ này chỉ là một trong vô số những điều diễn ra trong đời mà mỗi điều vẽ thêm nhiều phương diện và khía cạnh đẹp của con người ba trong mắt mình.

(Princeton, 09-2013)

Thursday, September 19, 2013

Kinh tế: Chuyện như mới bắt đầu

Ngẫm lại thì hai tuần vừa rồi khá bận cho những tuần đầu năm học. Nhiều em học sinh năm nhất cứ ngây thơ hỏi, "Làm sao để chúng em có thể quản lý quỹ thời gian của mình một cách tốt nhất?" mà không hề biết rằng trong khi mình cố sức đưa cho các em những lời khuyên thì bản thân mình cũng lo lắng biết bấy nhiêu. Lo chứ, vì đây là học kì đầu mình học chuyên sâu về môn Kinh tế.

Đầu tiên là môn Kinh tế lượng (Econometrics), đáng ra cũng không đến nỗi khó lắm nếu như mình không đang được học với Chris Sims, nhà kinh tế của Princeton vừa đoạt giải Nobel năm 2012. Năm ngoái khi nghe tin thầy đứng lớp dành cho sinh viên đại học thì cả bọn trong khoa kinh tế cảm thấy sướng rơn, vì thiên về bộ môn này chắc ít ai dám khẳng định mình thấu hiểu hơn Giáo sư Sims. Thế nhưng, học xong bữa đầu tiên hồi tuần trước, đi đâu cũng nghe những nỗi niềm hoảng loạn của học sinh, còn mình thì sợ chết đứng. Vốn dĩ theo trường phái Bayesian - một trường phái của Thống kê "đối lập" với trường phái tần suất học (frequentist) - thầy không ngần ngại bỏ ra một bài giảng để thuyết phục chúng tôi rằng những gì sách giáo khoa đang dạy có thể không phải là phương án tốt nhất. Thầy cũng không ngần ngại bỏ ra một bài giảng thứ hai để truyền cho chúng tôi thông điệp rằng "Rất nhiều sách giáo khoa về Kinh tế lượng đang cố gắng thuyết phục các em tin rằng thứ họ dạy là tốt, còn tôi đứng đây là để đặt cho các em nhiều hoài nghi, để các em không ngừng tự hỏi khi đọc những kết quả thống kê". Sau ba buổi học, và sau khi đã bình tâm trở lại (và bản thân thầy cũng dạy chậm lại khi nghe nói học sinh không theo kịp những suy luận nhanh như điện của thầy trong lớp), thì nghĩ kĩ mới thấy mình thật may mắn mới được học một người "gieo rắc hoài nghi" vào suy nghĩ của học sinh như thầy. Nói như Steve Jobs là "Stay Hungry, Stay Foolish", tạm dịch là hãy cứ đói kiến thức, hãy cứ nghĩ rằng mình là kẻ ngu (để rồi còn động lực để học hỏi thêm).

Rồi còn môn Kinh tế Vĩ mô của lớp nghiên cứu sinh tiến sĩ (PhD). Ở Princeton, khoa Kinh tế có đặc cách cho những sinh viên đại học có khả năng được quyền ngồi học chung những lớp đại cương của các nghiên cứu sinh tiến sĩ. Thế là mình cũng mày mò (ham hố) theo học lớp Kinh tế Vĩ mô, ngành mà mình muốn nghiên cứu sau này. Sau hai tuần học, mình mới thấy đây là một quyết định sáng suốt. Đó không phải vì cái danh "học lớp của nghiên cứu sinh", không phải vì cái lợi là được thể hiện mình trong việc nộp đơn sau đại học, mà đó là vì mình có dịp suy ngẫm lại lúc mình học Kinh tế Vĩ mô cấp dưới mình (và chương trình) đã không cẩn thận như thế nào. Một khuyết điểm của môn Kinh tế học là tạo rất nhiều giả định để đơn giản hóa vấn đề, và dường như chương trình kinh tế ở đại học người ta đã đơn giản hóa vấn đề ấy quá mức khiến nó trở nên khó hiểu. Ngẫm lại mới nhớ ra hồi trước học Kinh tế Vĩ mô trung cấp đã có nhiều điều được xem là mặc nhiên, mình phải chấp thuận, mà rất may là học đến đây được gặp Giáo sư Rogerson, người cũng giống như giáo sư Sims, luôn bắt học sinh tự đặt câu hỏi ngược về những điều mà mình viết trên trang vở. Thầy hay hỏi những câu bất ngờ, những câu thường đơn giản, mà ít ai có thể trả lời được, hay thậm chí chưa bao giờ để ý. Có lẽ học lớp này đang và sẽ khiến mình trân trọng hơn cái bộ môn mà mình thích, vì nó lấp đầy những chỗ trống mà người ta tạo ra khi cố gắng đơn giản hóa vấn đề cho học sinh cấp dưới.

Thôi, ngồi nghỉ giải lao 20 phút có thời gian blog để kể lể những cảm nghĩ (dưới áp lực) sau những "ngày đầu tiên đi học". Giờ mới thấy mình đang bắt đầu học kinh tế.

Princeton, 19/9/13.

Tuesday, September 10, 2013

Đi chậm

9 giờ 10 phút tối ngày 8 tháng 9. Lúc đó tôi bước nhanh, nhanh hết sức có thể, để kịp rời khỏi chiếc tàu lửa trước khi nó lại lăn bánh rời ga. Nhà ga dành 10 phút cho hành khách chuyển tàu để về Princeton mà đối với tôi khi bình thường là dư thừa nay lại cảm giác như một cuộc đua với thời gian. Nhiều người trước mặt đi càng ngày càng xa, trong khi những người sau lưng lần lượt vượt mặt tôi; tất cả đều hối hả để bắt kịp chuyến tàu về trường. Trong 10 phút ấy, những cử động của tôi dường như là những cảnh phim quay chậm trong một thế giới thực vẫn quay nhanh. Sau 10 phút ấy, tôi nhìn đoàn tàu rời ga trong khi mình mới chỉ đi được 3/4 quãng đường.

5 giây tủi thân.

Bây giờ về tới Princeton, ngồi ở một cái bàn được bạn tôi giúp chuyển đến bên cạnh một khung cửa sổ mang dấu ấn của một tòa lâu đài cổ, nhìn ra một góc sân vuông cũng đậm chất cổ kính. Căn phòng mới của tôi cũng có một lò sưởi kiểu cũ, cái kiểu mà khi xưa được kết nối với ống khói để ông già Noel chui vào. Mặc dù không được phép đốt lửa trong lò, cái lò sưởi ấy cùng cái sàn gỗ và góc sân nhìn ra từ cửa sổ khiến tôi cảm giác ấm lòng. Ngẫm lại thì kiến trúc lâu đài gothic là một trong những lý do đầu tiên khiến mình thực sự thích Princeton, và bây giờ vẻ đẹp của lối kiến trúc ấy vẫn khiến mình ngưỡng mộ. Ít ra, ngồi tại đây, với mọi việc đã ổn định và được sắp xếp tương đối ổn thỏa, tôi cảm giác mình đang ở nhà, hòa bình và yên ả.

Pyne Hall - khu ký túc xá của tôi năm nay
Photo (c) Princeton Interactive Map

Tôi ngồi gõ những dòng này với cái chân bị bó thẳng. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nghĩ tôi hiểu được nỗi khổ của những người khó hoặc không thể đi lại tự nhiên. Nhất là những lúc những bó cơ ở bắp chân co thắt lại như chuột rút khi đang đứng, hay lúc đang nằm thì không thể dịch chuyển vì chân không thể co quá 45 độ. Tệ nhất là 3, 4 hôm trước, có khi mình không dám ngồi vì không biết là ngồi rồi còn đủ sức đứng lên không. Tuy cái chân đôi lúc làm tôi thấy nản, nhưng nhiều khi tự nghĩ, con người thì cũng lúc này lúc kia. Chắc phải ngã mới hiểu được đau, để rồi mình quý cuộc đời hơn khi mình đứng dậy đi tiếp.

Đi chậm lại cũng có nhiều cái hay. Nếu không vì dịp này chắc bây giờ mình đang không ngồi yên trong phòng suy nghĩ chuyện đời như bây giờ. Đi chậm lại cho tôi thời gian để suy nghĩ về nhiều thứ, trong đó có tình bạn. Qua đợt về Việt Nam lần này, và trong những lúc khó khăn, tôi mới hiểu được là ai thực sự quan tâm đến mình, ai quan trọng đối với mình, và ai chỉ là những người bạn xã giao. Chỉ một điều mình không nghĩ ra là mình đã làm gì tốt cho các bạn đâu mà lại có được những người bạn quý giá như vậy? Có những con người cho để rồi nhận lại, một cách thực dụng, và có những con người cho mà không toan tính. Tôi thấy mừng vì rất nhiều bạn bè của mình là kiểu người thứ hai.

5 giây hạnh phúc.

5 giây hạnh phúc.