Tựa đề
của bài viết này lạm dụng một số thuật ngữ của bộ môn Kinh tế - như GDP thực và
GDP danh nghĩa – nhưng thực ra những gì mình viết dưới đây không liên quan gì đến
những giá trị kinh tế. Sau một tuần dài thi cử vất vả, suốt ngày làm bạn với
sách vở, thì cuối cùng mình cũng đã có thời gian để ngồi xuống, uống ly café từ
từ, và suy nghĩ về những câu hỏi mình đã trăn trở vài tuần nay. Bài viết này là
cố gắng đầu tiên của mình để trả lời câu hỏi: “những thành tích nào có
giá trị thật, và thành tích nào không?”
Trước
tiên mình xin giải thích hoàn cảnh của câu hỏi này. Sự thật là mấy tuần này, mỗi
khi bận rộn, mình lại cố gắng nghĩ xem thử mình có những giá trị nào, hoặc giả
như có một thị trường để mua bán giá trị con người, mình sẽ đáng giá bao nhiêu.
Vì thế mình thử tưởng tượng một thế giới không
có mình, và thế giới ấy có vẻ không khác mấy với thế giới bây giờ, ở nhiều
mức độ. Ví dụ như, khoa Kinh tế của trường mình chắc cũng sẽ là cái khoa nằm ở
tòa nhà Fisher của trường, dù có hay không có một thằng sinh viên học kinh tế
vĩ mô và biết một hay hai điều về kinh tế. Sau đó mình lại nghĩ về rất nhiều
người bạn. Nhiều bạn ở Việt Nam đã và đang tích cực tham gia tổ chức nhiều dự
án, giúp ích nhiều cộng đồng nghèo. Sau đó có nhiều bạn bè UWC đi khắp các nơi
trên thế giới và cố gắng để đấu tranh cho các vấn đề xã hội mà các bạn mong muốn
thay đổi. Rồi tiếp đến có các bạn sinh viên Princeton đã lập nên những khởi
nghiệp của riêng mình.
Rồi tiếp
đến có mình, người mà, với cây bút và tờ giấy, ráng giải một phương trình vi
phân hay học về lý thuyết tối ưu động của lý thuyết kinh tế vĩ mô. Mình bắt đầu
cảm thấy mất kiên nhẫn, và chắc mình sẽ mất kiên nhẫn nhiều lần nữa trong 6 năm
tới ở trường sau đại học. Vì thế, mình cố gắng làm một điều có ích cho bản
thân: phân loại những điều mình đã đạt được để xem mình có làm được điều gì có giá
trị thực hay chưa.
Điều đầu
tiên mình phân vân là chuyện mình được vào học ở Princeton, và sau nhiều suy
nghĩ mình kết luận rằng thành tích này chỉ có ‘giá trị có điều kiện’. Mình sẽ định nghĩa
khái niệm này sau khi giải thích rõ hơn về nó. Khi còn học trung học cơ sở,
mình cố gắng thật nhiều để vào trường phổ thông tốt. Sau đó mình cố gắng để vào
trường đại học tốt. Bây giờ thì mình đang cố gắng vào trường cao học tốt, sau
đó thì chắc sẽ cố kiếm việc làm tốt, vân vân và vân vân. Những mục tiêu này là
một dòng chảy không ngừng nghỉ những ước mong của con người, và hiện hữu ở mọi
người. Mỗi chúng ta ai ai cũng đã từng đi theo dòng chảy này trước khi dừng lại
ở một điểm nào đó. Điều quan trọng là, chúng ta nên dừng ở đâu? Nếu nói suông,
không ai có thể kết luận rằng dừng lại ở đại học thì tốt hơn trường phổ thông, hay
ở cao học thì tốt hơn đại học, vì cuộc đời đã chứng tỏ rằng có nhiều thành công
và thất bại ở mỗi trường hợp. Có những người chỉ học hết phổ thông, nhưng rất
thành công trong kinh doanh, và có người học hết tiến sĩ, nhưng không thành
công mấy trong mọi thứ (đặc biệt là vô số tiến sĩ Việt Nam), kể cả ở vai trò
chính của một người tiến sĩ: viết một bài nghiên cứu có ích. Nếu như thế, yếu tố
nào quyết định giá trị của việc được chọn vào một ngôi trường tốt, như ĐH
Princeton, chẳng hạn? Để trả lời câu hỏi này, giả sử rằng sau khi tốt nghiệp đại
học, mình đi về nhà và quyết định làm một nghệ sĩ viết nhạc (đang lấy thí dụ thôi),
thì việc mình vào ĐH Princeton hay một đại học nào của Việt Nam không có sự
khác biệt. Vậy rõ ràng việc mình vào ĐH Princeton không có một giá trị thực
nào, mà chỉ có giá trị có điều kiện,
vì giá trị của việc vào được ĐH Princeton phụ
thuộc vào giá trị của những việc mình làm được sau khi học ở Princeton. Như
vậy, những giá trị có điều kiện là những
giá trị mà ý nghĩa của nó phụ thuộc mạnh mẽ vào những giác trị khác. Giá
trị có điều kiện thường nguy hiểm, vì nó dễ khiến người ta lầm tưởng bản thân nó
là giá trị thật. Chính vì điều này mình không thích khi nhiều bạn gọi nhau bằng
công thức “tên + tên trường,” ví như một số bạn Việt
Nam gọi mình là “Vũ Princeton” cứ như rằng cái trường
là giá trị của mình. Nó không phải.
21 tuổi
đời là một giai đoạn của cuộc đời khi mà hầu hết những giá trị mỗi chúng ta
mang trên mình là có điều kiện, và bản
thân chúng ta là những người quyết định rằng những giá trị đó sẽ trở nên giá
trị thực hay giá trị danh nghĩa. Mình định nghĩa giá trị thực của
một người là những điều mà tạo nên một ảnh hưởng nhất định đối người đó, gia
đình và bạn bè, hay cộng đồng của người đó, còn giá trị danh nghĩa của một
người là những điều nghe tên có vẻ tốt, nhưng nếu giá trị ấy không tồn tại thì
cuộc sống của người ấy, gia đình, mọi người liên quan và cộng đồng xung quanh sẽ
không có gì thay đổi. Chẳng hạn như, điểm số mà mình cố gắng thật nhiều và dành
rất nhiều thời gian để đạt được sẽ không có ý nghĩa gì nếu mình không vào được
trường sau đại học tốt (điều này lại là một giá trị có điều kiện khác). Một ví
dụ khác, kiến thức mình đã học về tối ưu hóa động, chuỗi Markov hay những lý
thuyết kinh tế vĩ mô khác sẽ có giá trị thực hay danh nghĩa tùy thuộc vào mình:
nếu mình viết được một bài nghiên cứu mà đóng góp được một sự hiểu biết mới mẻ,
thì những kiến thức trên sẽ có giá trị thực; ngược lại giá trị của chúng chỉ tồn
tại trên danh nghĩa, vì nếu không có các kiến thức trên, thì cuộc sống của
mình, mọi người và hòa bình thế giới sẽ không có gì thay đổi.
Thông
thường, bất cứ ai muốn hướng tới một ‘cuộc sống vui vẻ,’ cuộc sống có
phẩm giá (theo Aristotle – cuộc sống tốt nhất là cuộc sống vui vẻ, là cuộc sống
của phẩm giá) đều muốn hướng tới những giá trị thực thay vì danh nghĩa. Vấn đề ở đây là (1) đôi khi chúng ta quên mất mình
đang cố gắng làm gì (bị mất phương hướng), hoặc (2) lầm tưởng rằng những giá trị
có điều kiện và giá trị danh nghĩa là giá trị thực. Vấn đề thứ nhất (vấn đề
mình đang có) là thông thường với mỗi người trong một thời gian ngắn, nhưng vấn
đề thứ hai là nguy hiểm, vì khi đó chúng ta sẽ dừng lại, không hướng tới điều
gì thực. Vậy nên, điều
quan trọng nhất đối với mỗi người ở mọi thời điểm là biết được những giá trị
mình có, giá trị nào là thực, là danh nghĩa, là có điều kiện.
Chỉ một
chút suy nghĩ khi có ít thời gian rỗi.